Bài viết dành riêng cho anh chị em mới tập chơi, nhưng những bạn nào chơi lâu rồi cũng có thể áp dụng để thành công hơn.
1. Hệ vi sinh là gốc rễ của toàn bộ hệ thống thủy sinh
Về hệ vi sinh, mình không nhớ là đã đề cập bao lần, thậm chí có bài chuyên sâu về nó (link), nhưng mình luôn có cảm giác là anh em thủy sinh, cả mới lẫn cũ, đều có vẻ chỉ coi nó như 1 “điều tất nhiên”, đại loại như phải có hệ vi sinh mới trong nước nhưng không chịu nghĩ sâu hơn về yếu tố gốc rễ này. Các anh em cứ set hồ, mua vi sinh châm vào, thế là mặc định “đã xong”.
Mình xin phép nói rõ hơn về vi sinh như sau:
– Hồ bạn có ổn đinh, cây cối có khỏe, cá tép có khỏe hay không là do hệ vi sinh quyết định
– 1 điều cực kì quan trọng khác là hệ vi sinh trong tầng đáy nền. Nếu hệ vi sinh này bị yếm khí dần, mất sự tơi xốp và không còn thoáng khí thì cho dù hồ bạn có đảm bảo nhiều yếu tố khác như dòng chảy, dinh dưỡng, Co2… thì cây cối vẫn sẽ trở lên yếu dần, và chỉ còn cách duy nhất là lật làm lại hồ. Đây cũng là lý do nông dân hay cày bừa trước vụ mùa mới, hoặc dân trồng rau, cây cảnh luôn trộn vi sinh, chất mùn, tro trấu.. làm tơi xốp đất trồng. Cũng là lý do vì sao hồ ADA luôn lót power sand và penac P,W, bacter 100 ở đáy nền. Kinh nghiệm cho anh em là khi set hồ mới nên đặc biệt lưu tâm vấn đề thoáng nền, hệ vi sinh đáy nền. Nên trải 1 lót nham thạch trắng ở tầng đáy để đảm bảo chất lượng nền lâu dài.
– Chỉ cần hệ vi sinh có vấn đề, nước trong hồ sẽ bị ảnh hưởng, toàn bộ dinh dưỡng và mọi yếu tố khác sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực ngay. Cây cối và động vật sẽ bị tác động trực tiếp, nếu cây yếu thì rêu hại bùng phát, nếu cá tép bệnh và chết thì nước hồ lại tiếp tục bị ảnh hưởng…
– Vi sinh sống chủ yếu ở giá thể, nhiều hơn lượng lơ lửng trong nước gấp nhiều lần. Giá thể ở đây là phân nền, sỏi nền, đá, vật liệu lọc… Vì vậy các bạn set hồ nên làm nền dày xíu, vật liệu lọc đảm bảo đủ chổ chứa cho vi sinh.
– Khi mới set hồ, nếu có thể cho vào lọc 1 tấm bông lọc cũ từ hệ thống lọc hồ khác thì hệ vi sinh khởi tạo cực nhanh. (nước hồ cũ hoặc sứ lọc, matrix… không có tác dụng lắm trong trường hợp này)
– Châm vi sinh khi mới set hồ là điều cần thiết, trên thị trường có nhiều loại vi sinh, nhưng loại được đánh giá cao nhất là loại có tế bào gốc đậm đặc đang ở dạng tiền sinh (dạng nước), những loại vi sinh này có ghi rõ trên chai lọ là “có thể thả cả ngay sau khi châm”, điển hình là API Quick start hay Tetra Safe. Tuy nhiên bất cứ loại vi sinh nào khi châm vào hồ cũng có tỉ lệ chết khá cao, đó là lý do sau khi set hồ cần phải châm vi sinh hằng ngày đến 1 2 tuần, và khi thay nước cũng phải bổ xung, mục đích là tăng khả năng sống sót cho những chủng loại vi sinh châm vào hồ.
– Đối với vi sinh, Oxi và thức ăn của chúng là quan trọng nhất. Thức ăn vi sinh thì không thiếu trong môi trường thủy sinh, nhưng O2 thì hầu như ít được quan tâm. Anh em phải bảo đảm lượng O2 dồi dào trong nước bằng cách xục oxy, hoặc chạy lọc váng, làm động tầng mặt nước… Tuyệt đối không được để tầng mặt bị váng, quá tĩnh, O2 sẽ không tan vào trong nước kịp và toàn bộ hệ thống sẽ mất cân bằng ngay.
– Về chuyện thay nước và vệ sinh lọc, mình đã đề cập rất nhiều lần rồi.
2. Ánh sáng là gốc rễ của hầu hết các vấn đề nãy sinh
Các bạn còn nhớ đến Thủy Sinh Lý Vũ với showroom xanh rì ở góc đường Nam Kì Khởi Nghĩa và Lý Chính Thắng? (sau này là Aquamery và mới chính thức ngừng kinh doanh gần đây). Bất cứ cao thủ nào vào tham quan cũng thốt nên rằng toàn bộ hồ ở đây đều thiếu sáng (theo lý thuyết), ví dụ hồ 1m2 50cm 50cm thì chỉ có vỏn vẹn 3 bóng jebo T8 cực yếu, nhưng cây cối thì cực căng đẹp. Mình có vài đứa em làm việc bảo dưỡng hồ cho khách của Lý Vũ, có hồ 3 tháng không được chăm sóc,cây cối mọc lên cả mặt nước, nhưng tuyệt nhiên không phải lau mặt kính vì cực sạch, không hề có 1 chút rêu hại nào dù 3 tháng không thay nước. Lý do là gì? Các bạn chắc cũng tự suy luận ra rồi, hồ mình vừa nhắc trong 3 tháng không thay nước đó mà rêu bám mặt kính còn không có đó có size là 1m6 60 60, và chỉ dùng 4 bóng t8 Jebo.
Với sự phát triển của công nghệ, t5 và giờ là LED đã quá thông dụng, và đi kèm với nó là… rêu hại, cây bị rữa lá…
Trong bài viết chi tiết về ánh sáng, mình đã nói là năng lượng người chơi cung cấp vào hồ là qua ánh đèn, nếu năng lượng này dư thừa thì hệ thống sẽ mất cân bằng và rêu hại sẽ xuất hiện để hấp thụ bớt năng lượng dư thừa đó. Trong bài này mình xin nói thêm là: nếu bạn cung cấp vừa đủ lượng ánh sáng cần thiết cho hồ thủy sinh của mình thì sự cân bằng ấy sẽ rất lâu dài, cây cối cá tép sẽ khỏe mạnh, và hầu như bạn không phải tốn nhiều công chăm sóc (như hồ 1m6 mình vừa đề cập). Mình đã từng thử nghiệm với nhiều hồ, khi nào cảm thấy cây yếu mình đều kéo đèn lên cao hơn 1 chút và quan sát tuần tiếp theo. Đến 1 độ cao nhất định, cây cối sẽ rất căng đẹp và rêu hại hầu như không bao giờ xuất hiện. Nhiều bạn đi bão dưỡng hồ cho khách cũng dùng chiêu này: cứ thấy cây rữa lá, cong mép rá, rụng lá thì cứ giảm đèn, cây sẽ phản ứng tích cực ngay, các bạn có thể thử xem có hiệu quả không nhé.
Vấn đề là việc chọn ra lượng đèn hợp lý cho từng loại hồ, đây là công việc chờ đợi các bạn tự trải nghiệm và rút ra kinh nghiệm riêng. Nhưng 1 điều bất di bất dịch là: hồ càng dùng nhiều đèn thì độ khó càng cao và càng dễ mất cân bằng.
3. Những chi tiết nhỏ dễ bị bỏ qua nhưng lại có tầm ảnh hưởng cực lớn đến sự thành bại của 1 hồ thủy sinh
Ngoài vi sinh và ánh sáng mình vừa đề cập ở trên, anh em mới chơi nên lưu tâm những điều sau:
– Có đợt mình bật chiller cho 3 hồ thủy sinh, và tất nhiên mình không cần dùng quạt làm mát nước. 2 trong 3 hồ đó cây cối phát triển rất tốt nhưng cá tép luôn có khuynh hướng thích đớp mặt nước, đặc biệt là sau mỗi lần mình thay nước. 1 hồ còn lại thì cá rất khỏe nhưng cây có vẻ thiếu Co2, lá phát triển nhỏ hơn cho đến khi mình phải tăng Co2 cho hồ thứ 3 này thì mới ổn. Còn 2 hồ kia, chỉ cần tăng ít Co2 là cá ngộp ngay. Vậy vấn đề là gì? Mình quan sát kĩ thì nhận thấy rằng 2 hồ cá dễ ngộp Co2, ống OUT của lọc mình để hơi thấp, và mặt nước rất tĩnh, hồ thứ 3 kia thì ống cao gần mặt nước hơn. Sau này mình thanh lý hết chiller, bật phòng lạnh cho toàn bộ dàn hồ. Mọi chuyện đều tốt cho đến khi tiền điện tăng cao, mình phải tắt máy lạnh và gắn quạt cho từng hồ, và thế là đủ mọi vấn đề xuất hiện. Hồ nào quạt càng mạnh, cây càng yếu. Vậy các bạn có thể suy luận và rút ra kinh nghiệm gì? Không hẳn là do nhiệt độ, mà là độ tĩnh / động của mặt nước có thể ảnh hưởng nhiều đến cả hệ thống. Hồ nào quạt càng mạnh, hay dòng out làm mặt nước càng động thì O2 càng dồi dào nhưng CO2 thất thoát rất nhanh, những hồ này cần lượng CO2 nhiều hơn. Còn hồ nào mặt nước tĩnh, nên canh chỉnh Co2 vừa phải là đủ, mà lại không làm ngộp cá. Đây cũng là lý do các hồ ADA bên Nhật họ cung cấp Co2 rất ít nhưng hồ nào cũng rất đẹp. Nhưng nhiều hồ ở VN, Co2 phun ầm ầm nhưng luôn có cảm giác bị thiếu. Đây là điều anh em mới chơi cần lưu tâm để thành công hơn.
– Nên tìm hiểu kĩ những thứ sắp cho vào hồ: dạo này mình nhận được nhiều câu hỏi về tcnt và nhiều cây trải thảm khác, đa số anh em thất bại khi trồng tcnt là do vấn đề Co2, hầu hết các hồ đó có những tác nhân gây tăng pH quá cao như đá trắng, sỏi 3 màu, san hô. Mình chưa thấy hồ nào pH cao 7.5-8 mà trồng tcnt thành công cả. Có lẻ ở độ pH cao này, Co2 khó hóa tan hoặc cây ở tầng đáy khó hấp thụ được.
– Không phải nền trộn nào càng mạnh thì trồng cây càng đẹp. Mình khuyên anh em mới chơi, chưa rành thì nên đầu tư bộ nền Công Nghiệp chơi cho an toàn trước, ví dụ như ADA, gex xanh, contro soil, lót cốt jbl, hoặc những cốt VN anh em dùng và có phản hồi tích cực nhiều năm nay như của nuphar chẳng hạn. Sau này rành rồi, biết quản lý nước tốt rồi thì hãy thử nghiệm nền các bạn tự trộn hay mua những loại bán rộng rãi trên thị trường, tránh tình trạng nghe truyền miệng hay PR quá đà rồi cứ làm theo rồi lại hối hận. Đa số những bạn mình từng tư vấn đều gặp vấn đề về độc, dư dinh dưỡng, hơn là thiếu hụt.
– Đừng có bắt chước mình chơi nền trơ nếu chưa đủ kinh nghiệm, ngay cả mình gắn bó, nghiên cứu nền trơ bao năm nay mà luôn phải nhức đầu với nó. Mới chơi thì cứ tìm hướng đi an toàn trước đã.
– Cách bật đèn cũng cần lưu ý: khi mới set hồ, các bạn cố gắng bật đèn gần với tự nhiên nhất, hoặc bật theo giờ mà cây trong hồ của bạn đã quen từ hồ cũ. Sau 1 thời gian cây cối khỏe mạnh thì bạn mới nên chỉnh sửa dần theo giờ giấc sinh hoạt của bản thân mình.
4. Chìa khóa thành công: đam mê, không ngừng học hỏi, tránh máy móc, quan sát suy nghĩ logic và rút ra kinh nghiệm quý báu
– Nếu bạn có đam mê, mọi vấn đề sẽ được giải quyết, mọi câu hỏi sẽ tìm được câu trả lời, thành công sẽ đến sớm hay muộn, chỉ cần đủ đam mê
– Đừng vội cảm thấy mình đã giỏi, đã biết nhiều. Tin tôi đi, càng nghiên cứu, càng chơi nhiều năm thì càng thấy kiến thức, kinh nghiệm thủy sinh là bao la vô bờ bến.
– Đừng áp dụng máy móc kinh nghiệm người khác (và cả của tôi) mà không suy luận logic. Kinh nghiệm thủy sinh cũng như cái bàn chải đánh răng, bạn có thể nhìn vào bàn chải của tôi rồi về mua cái hợp với mình, chứ không thể lấy bàn chảy tôi đang dùng về xài được.
– Kinh nghiệm của bạn rút ra là phần thưởng giá trị nhất, khi bạn rút ra được 1 kinh nghiệm, bài học nào đó, bạn sẽ có khả áp dụng nó thành công nhất.
– Nếu bạn còn thất bại hoặc chưa hài lòng với kết quả hiện tại, cứ tiếp tục đam mê rồi 1 ngày bạn sẽ thành công. Nếu gặp khó khăn gì có thể liên hệ với tôi, tôi sẽ đồng hành, giải đáp giúp bạn trong tầm hiểu biết của mình
Chúc các bạn thành công với đam mê và thú chơi tao nhã này.
Leave a Reply